Đại học Mở Hà Nội
Quốc gia: Việt Nam
QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI:
Ngày 03 tháng 11 năm 1993 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 535/TTg thành lập Viện Đại học Mở Hà Nội trên cơ sở Viện Đào tạo Mở rộng 1 (một đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo), với chức năng và nhiệm vụ:
- Là cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu các loại hình đào tạo mở, đào tạo từ xa, đào tạo tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, góp phần tăng tiềm lực cán bộ khoa học - kỹ thuật cho đất nước;
- Là một đơn vị hoạt động trong hệ thống các trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý và được hưởng mọi quy chế của một trường đại học công lập.
Trải qua 1/4 thế kỷ xây dựng và phát triển, với sứ mạng "Mở cơ hội học tập cho mọi người", Trường Đại học Mở Hà Nội là đơn vị tiên phong trong việc xóa đi rào cản về tuổi tác trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Cùng với đó, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào công tác dạy và học đã giúp cho người học có thể tiếp cận bài giảng và tri thức mọi lúc, mọi nơi, xóa đi những rào cản về không gian và thời gian, tạo ra sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người dân dù ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Với chức năng và sứ mạng được giao, Trường Đại học Mở Hà Nội đã trở thành đơn vị thể nghiệm thực tiễn Giáo dục đại học giúp cho lý luận được xây dựng trong Nghị quyết 29 “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục và đào tạo”.
Năm 2018, Viện Đại học Mở Hà Nội vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ và Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học. Đây là sự ghi nhận của cấp trên đối với những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể sự phạm Nhà trường trong những năm vừa qua, đồng thời khẳng định uy tín và chất lượng đào tạo của Viện Đại học Mở Hà Nội.
Viện Đại học Mở Hà Nội đã được đổi tên thành Trường Đại học Mở Hà Nội theo Quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
SỨ MẠNG:
- Mở cơ hội học tập cho mọi người với chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng với nhiều loại hình, chú trọng giáo dục từ xa, đa ngành, đa trình độ, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.
TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035:
- Trường Đại học Mở Hà Nội phấn đấu trở thành một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đa trình độ, đa phương thức trong đó chú trọng đào tạo từ xa, có vị trí xứng đáng trong hệ thống các trường đại học mở Châu Á, thông qua nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, vì một nền giáo dục đại học đại chúng, một xã hội học tập và học tập suốt đời.
GIÁ TRỊ CỐT LÕI:
- Tự chủ toàn diện: Là truyền thống của trường từ trước đến nay và sẽ phát huy mạnh mẽ trong tương lai.
- Công nghệ hiện đại: Là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ mới trong công tác đào tạo và quản trị nhà trường.
- Dịch vụ hoàn hảo: Là đặc trưng về thái độ của mọi thành viên và chất lượng các dịch vụ trường cung cấp cho xã hội.
- Kết nối rộng mở: Là phương thức hoạt động để phát huy hiệu quả của Trường với mô hình giáo dục mở, linh hoạt.
- CÔNG NHẬN
Đại học Mở Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cấp phép hoạt động. Hoàn thành các khóa đào tạo trong chương trình của Đại học Mở Hà Nội sẽ được cấp bằng theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
- KIỂM ĐỊNH
Đại học Mở Hà Nội sẽ là trường đại học tiếp theo được Trung tâm Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.
Đại học Mở Hà Nội có 9 cơ sở đào tạo của các Khoa, Trung tâm tại Hà Nội (chủ yếu là thuê ngoài) và 120 trạm đào tạo từ xa (liên kết) đặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước trong đó:
- Có 25 phòng học trang thiết bị hiện đại
- Có 148 phòng học, giảng đường từ 40 - 120 chỗ
- Có 800 phòng học tại các trạm đào tạo địa phương
Trung tâm đào tạo Elearning tại Đại học Mở Hà Nội:
Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ Dự án KOICA “Đầu tư hạ tầng và triển khai đào tạo theo phương thức E-learning tại Đại học Mở Hà Nội” với mục tiêu xây dựng hạ tầng kỹ thuật và chuyển giao công nghệ E-Learning từ phía Hàn Quốc cho Đại học Mở Hà Nội; Phát triển nội dung, xây dựng giáo trình, bộ học liệu cho đào tạo E-Learning theo tiêu chuẩn; Tuyên truyền, phổ biến hoạt động E-Learning trên các phương tiện thông tin đại chúng và Internet. Tất cả nhằm một mục tiêu dài hạn hơn là đưa trường thành đơn vị dẫn đầu trong khối các trường đại học có đào tạo bằng phương thức E-Learning, tương lai là một trường Đại học ảo (Cyber University) như các nước tiên tiến trên thế giới đã có.
Về trang thiết bị, Dự án trang bị cho Trường hệ thống 7 máy chủ và các thiết bị phụ kiện được đặt trên IDC, 8 phòng học máy tính đa năng đặt tại 7 địa phương, 2 phòng phát triển hệ thống và nội dung, 3 phòng Studio (1 lớn và 2 vừa) với thiết bị hiện đại. Dự án cũng đã xây dựng và chuyển giao 2 hệ thống AAIS (hệ thống quản lý đào tạo) và LMS (hệ thống quản lý học tập) hiện đại, nhiều tính năng hỗ trợ cho quản lý đào tạo cũng như quá trình học tập của sinh viên.
Tại Trường Đại học Mở Hà Nội, công tác sinh viên luôn được nhà trường chú trọng, đặc biệt trong việc đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học và các công tác hỗ trợ khác.
Cùng với việc đảm bảo chế độ chính sách cho sinh viên theo các quy định của Nhà nước, hàng năm, trường Đại học Mở Hà Nội luôn kịp thời động viên, khuyến khích những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt bằng việc xét và cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên đại học hệ chính quy. Hiện nay, việc xét và cấp học bổng được Nhà trường triển khai theo từng kỳ, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên phấn đấu học tập và rèn luyện.
Công tác hỗ trợ sinh viên trong việc thực tập và định hướng nghề nghiệp được các đơn vị đặc biệt quan tâm. Các buổi định hướng nghề nghiệp có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp lớn trong từng lĩnh vực.
Hàng năm, Phòng CTCT&SV phối hợp với Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên tổ chức Ngày hội tư vấn và giới thiệu việc làm, thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham gia. Trung bình, mỗi Ngày hội có gần 1000 sinh viên được tư vấn, giới thiệu việc làm bởi các chuyên gia đến từ các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Học tập tại Trường Đại học Mở Hà Nội, sinh viên được rèn luyện để trở thành những công dân giỏi chuyên môn, vững thực hành, thành thạo kỹ năng, sẵn sàng phụng sự tổ quốc. Ngoài các giờ học trên giảng đường, sinh viên được tham gia vào rất nhiều các hoạt động ngoại khóa của hơn 50 câu lạc bộ chuyên ngành và câu lạc bộ sở thích.
Các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao cho sinh viên như: Giải bóng đá sinh viên, Ngày hội tuổi trẻ HOU, Chào Tân sinh viên, Hiến máu nhân đạo, Mùa hè sinh viên tình nguyện được đông đảo đoàn viên, sinh viên tích cực tham gia.
Tất cả tập trung để các bạn sinh viên trưởng thành hơn trong nhận thức, chín chắn hơn trong suy nghĩ, thành thạo hơn trong kỹ năng nghiệp vụ và có điều kiện để nâng cao thể chất và đời sống tinh thần. Qua các hoạt động ngoại khóa, các phong trào sinh viên đã có rất nhiều sinh viên trưởng thành, tốt nghiệp ra trường và nắm giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan, doanh nghiệp.