Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh nhận giải Rosalind Franklin

09/11/2019
Giáo sư, tiến sỹ từ đại học University College London (UCL), bà Nguyễn Thị Kim Thanh đã có vinh dự trình bày bài giảng và nhận huy chương Rosalind Franklin 2019 của Royal Society ở London.

 

Trong sự kiện hôm 29/10/2019 ở Royal Society, giáo sư, tiến sỹ từ đại học University College London (UCL), đã có vinh dự trình bày bài giảng về vật liệu nano plasmonic (hạt vàng hình cầu, trụ và sao), "Vật liệu nano từ phòng thí nghiệm đến giường bệnh" (Nanomaterials from Bench to Beside).

 

Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, Đại học UCL ở Anh trình bày bài giảng tại trụ sở Royal Society, London

 

Các nhà khoa học nữ

 

" GS Nguyễn Thị Kim Thanh được trao giải thưởng năm nay vì thành tích trong lĩnh vực vật liệu nano

Royal Society "

'The Rosalind Franklin Award and Lecture 2019' được trao cho các nhà khoa học nữ nổi bật trên thế giới. Bà Rosalind Franklin (1920-1958) là một nhà lý sinh học và tinh thể học tia X người Anh có những đóng góp lớn cho khoa học thế giới.

 

Trang của Royal Society, viện hàn lâm khoa học độc lập lâu đời nhất tại Vương quốc Anh (từ 1660), cho hay giải thưởng hàng năm này tập trung vào các đóng góp nổi bật trong nhóm chủ đề STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) và nhằm để hỗ trợ các nhà khoa học nữ trong nghiên cứu STEM.

 

Cùng vinh dự trình bày bài giảng trong giới khoa học hàng đầu của Anh, giải thưởng còn gồm một huy chương bằng bạc, một khoản hỗ trợ dự án 40 nghìn bảng, và món quà 1 nghìn bảng Anh.

 

Bài giảng 'Vật liệu nano từ phòng thí nghiệm đến giường bệnh' - Nanomaterials from Bench to Beside

 

Dự án của bà Nguyễn Thị Kim Thanh là đề xuất tổ chức trại hè khoa học để truyền cảm hứng và thúc đẩy các em học sinh lớp 8, chủ yếu là nữ, từ các gia đình nghèo ở London, chọn các môn khoa học tự nhiên cho chương trình GCSE (cấp hai).

 

GS Thanh tốt nghiệp chuyên ngành hóa học tại Đại Học Quốc gia Hà Nội năm 1992; sau nhận học bổng nghiên cứu quốc tế ở Hà Lan và Anh Quốc, nơi bà lấy bằng tiến sĩ năm 1998.

 

Là giáo sư người Việt đầu tiên tại UCL, chuyên ngành vật liệu nano tại Phòng thí nghiệm UCL Nanomaterials Laboratory, đặt tại Viện Royal Institution Anh Quốc, và Nhóm sinh lý (biophysics), Khoa Vật lý và Thiên văn, Đại học University College London, Anh Quốc. Bà vẫn đang hợp tác nghiên cứu với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.