
Đại học Văn Lang
Loại trường: Trong nước
Điện thoại: 024 3775 7221
Email: admissions@edunet.vn










Danh sách khóa học của trường
- Bắt đầu từ cuối năm 1992, Ông Nguyễn Đắc Tâm (khi đó là Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ SEPZONE) đã lập dự án xin thành lập Trường Đại học Kinh thương tại chức Sài Gòn. Những người cùng chí hướng với ông khi đó là: Ông Trần Trọng Biền, Ông Phạm Gia Khánh, Ông Trần Đình Bút, Ông Phạm Đình Phương, Ông Nguyễn Đình Quế, Ông Lương Xuân Hùng, Ông Nguyễn Văn Muôn. Các ông đã cùng nhau thảo luận kế hoạch xin thành lập Trường.
- Đến ngày 27/01/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 71/TTg cho phép thành lập trường với tên gọi: trường Đại học Dân lập Văn Lang; với biểu trưng của trường là hình trống đồng RO họa tiết đơn giản, đẹp nhẹ nhàng để làm ý tưởng thiết kế logo của Trường; “Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo” trở thành tôn chỉ biểu trưng của Văn Lang.
- Năm 2015, Trường Đại học Văn Lang chuyển đổi loại hình từ dân lập sang tư thục, theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg.
- Sau 25 năm hình thành và phát triển, đến nay, trường Đại học Văn Lang đã có những bước tiến rõ rệt và đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục của đất nước, là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và đóng góp tích cực vào sự thay đổi lối sống, cách suy nghĩ và làm việc của con người thông qua giáo dục, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.
- Nhằm xây dựng Văn Lang trở thành trường đại học đa ngành, đa bậc học, đảm bảo chất lượng đào tạo, trở thành địa chỉ đáng tin cậy đối với người học, là đối tác tin cậy của các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước… Văn Lang không ngừng đổi mới phương thức dạy và học, ứng dụng công nghệ hiện đại cùng các trang thiết bị kỹ thuật tối tân của mình.
- Hiện nay, trường đã có 2 khu học xá khang trang, tọa lạc tại những vị thế đẹp trong địa bàn thành phố và khu ký túc xá an ninh, sạch sẽ đảm bảo cho việc sống và học tập lành mạnh, năng động của sinh viên. Trường cũng đang triển khai dự án khu trường mới ở P. 5, Q. Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh. Khu đất rộng 5.2ha với thiết kế khu học xá vô cùng tối tân, hiện đại làm háo hức tất cả các sinh viên, học viên và giảng viên của nhà trường. Đây hứa hẹn sẽ là nơi giao thoa, gặp gỡ mới của những giá trị văn hóa không chỉ ở trong nước mà cả các nước trong khu vực.
Các chuyên ngành đào tạo nổi bật của trường có thể kể đến:
- Thiết kế đồ họa
- Thiết kế nội thất
- Thiết kế thời trang
- Ngôn ngữ Anh
- Quản trị kinh doanh
- Kỹ thuật phần mềm
- Tài chính kế toán
- Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành
- Quan hệ công chúng
- Văn học ứng dụng
- Công nghệ kỹ thuật môi trường
- Kỹ thuật Nhiệt
- Kiến trúc
- Luật kinh tế
- Piano
- Thanh nhạc
- Đội ngũ giảng viên là Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ… dày dặn kinh nghiệm, tâm huyết với trường và yêu nghề, sẵn sàng chỉ ra cho sinh viên những cơ hội học tập và nghiên cứu mới, những vấn đề nổi cộm trong thực tiễn, cùng sinh viên chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn, gút mắc cả trong cuộc sống lẫn trên giảng đường.
- Trường Đại học Văn Lang, xứng đáng là một trong những ngôi trường đi đầu những trường đại học đa ngành nằm ngoài công lập.
- CÔNG NHẬN
Trường Đại học Văn Lang được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cấp phép hoạt động. Hoàn thành các khóa đào tạo trong chương trình của Đại học Văn Lang sẽ được cấp bằng theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
- KIỂM ĐỊNH
Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam công nhận Trường Đại học Văn Lang đạt kiểm định chất lượng giáo dục.
Cơ sở đào tạo
- Hiện nay, trường đã có 2 khu học xá khang trang, tọa lạc tại những vị thế đẹp trong địa bàn thành phố:
- Trụ sở chính - Tòa nhà 45 Nguyễn Khắc Nhu
Tòa nhà 45 Nguyễn Khắc Nhu, Tp. Hồ Chí Minh nổi bật trên con đường nhỏ, có 9 tầng, diện tích khuôn viên là 1.224 m2, diện tích sàn xây dựng gần 10.000 m2. Đây là nơi làm việc của văn phòng Hiệu bộ và là nơi học tập của sinh viên các khoa:
- Kỹ thuật Nhiệt Lạnh (lầu 2)
- Công nghệ Sinh học (lầu 3)
- Công nghệ Kỹ thuật Môi trường (lầu 3)
- Kiến trúc – Xây dựng (lầu 4)
- Ngoại ngữ (lầu 6)
- Công nghệ Thông tin (lầu 7)
- Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P. 11, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Cơ sở 2 được thiết kế và thi công đúng chuẩn, gồm một khối nhà học 8 tầng và ba khối nhà trệt với diện tích khuôn viên là 4.800 m2, diện tích mặt sàn là 10.744 m2. Đây là nơi học tập của sinh viên các khoa:
- Quan hệ Công chúng và Truyền thông (lầu 1)
- Tài chính – Ngân hàng (lầu 2)
- Du lịch (lầu 3)
- Quản trị Kinh doanh (lầu 4)
- Thương mại (lầu 5)
- Kế toán – Kiểm toán (lầu 6)
- Mỹ thuật Công nghiệp (lầu 7 và khu A)
Cơ sở 2 cũng là nơi diễn ra các sự kiện lớn của Trường và các hoạt động phong trào của sinh viên.
- Cơ sở đào tạo 108C Thống Nhất
- Ngoài các cơ sở đào tạo trên, Trường Đại học Văn Lang cũng sở hữu thêm một cơ sở đào tạo tại số 108C Thống Nhất, P. 16, Q. Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh.
- Dự án Khu trường mới
- Dự án Khu trường mới ở P. 5, Q. Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh được xây dựng trên khu đất 5,2ha, rộng gấp 11 lần Cơ sở 2, đang được xúc tiến xây dựng với những hạng mục đạt chuẩn của một trường đại học quốc tế, đáp ứng yêu cầu cao về cơ sở vật chất, tiện nghi học tập.
- Một số hạng mục của khu trường mới đã được xây dựng gồm: Vườn Tưởng niệm, đường chạy, sân tập luyện thể dục – thể thao, nhà điều hành, cầu tạm qua rạch Lăng…
Ký túc xá
- Ký túc xá của trường chính thức hoạt động từ năm học 2009-2010, có 6 tầng, gồm 82 phòng, đáp ứng 600 chỗ ở cho sinh viên với diện tích sàn xây dựng là 2.417m2.
- Ký túc xá đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và học tập của sinh viên với mạng wifi phủ sóng toàn khu, hệ thống quét thẻ ra vào, phòng tự học, canteen, các khu vực cung cấp nước nóng miễn phí, nhà để xe… ưu tiên cho sinh viên các tỉnh về Tp. Hồ Chí Minh học tập, đặc biệt là sinh viên năm nhất.
Giảng đường
- Phòng giảng
- Trường Đại học Văn Lang hiện có hai cơ sở đào tạo với hệ thống giảng đường bao gồm 53 phòng học, 3 hội trường, phòng LAB, phòng multimedia, phòng mô phỏng, họa thất, studio, xưởng cắt may, xưởng tạo dáng, xưởng in,… và các trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy.
- Hội trường
- Cơ sở 1 có hai Hội trường chính: 201A, 203 A, là nơi diễn ra các cuộc họp cán bộ trường, các buổi gặp gỡ, hội thảo quy mô nhỏ.
- Hội trường lớn C001, tại cơ sở 2 của trường, với diện tích 734m2, chứa được gần 800 người, là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện, hoạt động lớn của trường: Lễ Tốt nghiệp, Hội diễn Văn nghệ 20/11, các buổi hội thảo quy mô lớn.
Phòng máy tính
- Phòng máy tính không là nơi sinh viên tất cả các khoa/ban học tập, thực hành các môn tin học. Nhà trường đã thực sự quan tâm, đầu tư vào việc trang bị hệ thống máy tính cho sinh viên học tập. Các phòng máy được đặt ở cả hai cơ sở của trường, thuận tiện cho sinh viên có thể thực hành ngoài giờ học; đều được kết nối mạng. Phòng máy tính hiện do Trung tâm Kỹ thuật tin học quản lý.
Hệ thống hỗ trợ học tập
- Thư viện
Thư viện Trường Đại học Văn Lang được tổ chức ở 2 cơ sở đào tạo thuộc quyền sở hữu của Trường:
- Thư viện Trụ sở 45 Nguyễn Khắc Nhu, Q. 1, Tp. TP. HCM, diện tích 518m2, 201 chỗ ngồi;
- Thư viện Cơ sở 2 – 233A Phan Văn Trị, Q. Bình Thạnh, TP. HCM, diện tích 268m2, 232 chỗ ngồi.
Năm 2001 Thư viện Văn Lang gia nhập Liên Chi hội Thư viện Đại học phía Nam (VILASAL).
Tài liệu giấy, tài liệu số và tài liệu điện tử của Thư viện được tổ chức phân loại, sắp xếp thành các bộ sưu tập theo lĩnh vực, chủ đề, môn học; giúp bạn đọc tra cứu thuận tiện hơn.
Tài liệu giấy
- Nguồn tài liệu giấy của Thư viện có gần 39.000 bản sách và 61 đầu báo, tạp chí.
- Thư viện kết nối với tủ sách, thư viện của 6 Khoa trong Trường.
- Thư viện được tổ chức theo hình thức kho mở; bạn đọc có thể tự do vào kho để lựa chọn tài liệu phù hợp với nhu cầu.
Thư viện số
- Được xây dựng trên phần mềm mã nguồn mở Dspace.
- Đặt tại địa chỉ: http://thuvienso.vanlanguni.edu.vn.
- Tính đến tháng 8/2017, Thư viện số Văn Lang cập nhật hơn 500 tài liệu số hóa.
Tài liệu điện tử
- Thư viện còn phát triển nguồn tài liệu điện tử, lưu trữ dưới dạng CD, DVD.
- Mạng máy tính
Toàn bộ hai cơ sở của trường Đại học Văn Lang được kết nối bởi hệ thống Mạng máy tính.
Các phòng học đều có cổng kết nối Internet, Thư viện và các không gian công cộng có mạng không dây phủ sóng. Các Khoa đào tạo và các Phòng Ban chức năng, các Trung tâm của trường đều kết nối và chia sẻ dữ liệu, tạo thành Mạng thông tin toàn trường.
Mạng thông tin của trường Đại học Văn Lang có 2 hệ thống: Mạng diện rộng và Mạng nội bộ.
- Mạng diện rộng phổ biến trên Internet, cập nhật các tin tức về nhà trường, dành cho các đối tượng muốn tìm hiểu về trường ở cấp độ chung.
- Mạng nội bộ dành cho tập thể học sinh sinh viên, giảng viên, cán bộ nhân viên nhà trường. Được truy cập từ các máy tính trong khuôn viên nhà trường, Mạng nội bộ cung cấp hệ thống thông tin phong phú gồm tin tức, dữ liệu đào tạo và các nguồn tài nguyên dành riêng cho các thành viên của trường.
Hiện nay, Trường đang hỗ trợ một số Khoa/Ban tiến hành xây dựng trang web riêng nhằm đưa những thông tin của đơn vị mình lên mạng đầy đủ và chi tiết hơn. Hiện tại, website của khoa Kế toán - Kiểm toán, khoa Mỹ thuật Công nghiệp và khoa Du lịch đã đi vào hoạt động. Chính những trang web con này sẽ góp phần làm cho nguồn thông tin về trường ngày càng thêm phong phú, toàn diện.
Sinh viên có thể tham gia xây dựng trang web của trường bằng cách viết các tin/bài về những hoạt động diễn ra ở Khoa/Ban mình, bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, để cùng nhau xây dựng trường thành ngôi nhà chung. Nhà trường có chế độ nhuận bút cho các cộng tác viên và những bài viết được đăng trên website.
Phòng thí nghiệm – Thực hành
- Phòng LAB
- Ngày 27/10/2008, phòng LAB dành cho sinh viên khoa Công nghệ Thông khóa đầu tiên theo học chương trình của ĐH Carnegie Mellon (CMU) đã được mở cửa và đưa vào sử dụng.
- Phòng LAB được chia làm ba không gian riêng biệt: một để thảo luận nhóm, một dành cho giảng viên trực hỗ trợ sinh viên và cuối cùng là phòng máy.
- Tại đây, sinh viên có thể tham khảo những tài liệu CMU gốc có bản quyền – không được sao chép và hoàn toàn bằng tiếng Anh, song song với việc truy cập vào mạng nội bộ của trường để cập nhật kịp thời những bài tập, bài tham khảo của giảng viên, hoặc nộp bài, trao đổi với nhau qua forum... Chính vì vậy, hầu hết sinh viên đều phải tự học tại phòng Lab ít nhất 1 buổi/tuần ngay cả khi đã có máy tính nối mạng ở nhà.
- Họa thất
- Các họa thất được dành riêng cho sinh viên khoa Kiến trúc - Xây dựng và sinh viên ngành Thiết kế đồ họa - Khoa Mỹ thuật Công nghiệp học tập và thực hành.
- Tại cơ sở 1, hai họa thất lớn ở lầu 4 và lầu 8 được dành riêng cho sinh viên khoa Kiến trúc Xây dựng thực hành vẽ đồ án.
- Tại cơ sở 2, dãy nhà A và tầng 7 dãy nhà C được thiết kế thành những hoạc thất dành riêng cho sinh viên các ngành thiết kế đồ họa và trang trí nội thất (khoa MTCN). Các họa thất được trang bị nhiều giá vẽ chuyên dụng phục vụ cho việc vẽ đồ án của các bạn. Hành lang dọc dãy nhà A được dùng là nơi trưng bày những sản phẩm của sinh viên.
- Phòng thí nghiệm
- Bên cạnh giảng đường, nhà trường đã xây dựng được hệ thống các phòng thí nghiệm, với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc học tập, thực hành cho cho sinh viên khoa Công nghệ Sinh học, khoa CN & QL MT.
- Xưởng may
- Hai phòng E102, E 103, tại cơ sở 2 của trường được thiết kế thành xưởng may dành riêng cho sinh viên ngành Thiết kế thời trang của khoa Mỹ thuật Công nghiệp. Mỗi phòng đều được trang bị nhiều máy may chuyên dụng cho sinh viên thực hành.
- Xưởng Tạo dáng
- Xưởng tạo dáng đặt tại phòng A110 và B105 được dành riêng cho sinh viên ngành Tạo dáng công nghiệp được thực hành.
- Phòng mô phỏng Nhà hàng – Khách sạn
- Phòng thực hành này được đặt tại lầu 7, cơ sở 2 của trường, dành cho sinh viên khoa Du lịch. Khu vực thực hành được đặt tách biệt với khu học tập, tạo điều kiện cho sự sáng tạo của sinh viên.
- Phòng thực hành Điều dưỡng đa khoa
- Phòng mới được xây dựng năm học 2009, phục vụ cho việc thực hành của học sinh ngành Điều dưỡng đa khoa. Phòng được thiết kế mô phỏng như một phòng bệnh của bệnh viện, trong đó trang bị những mô hình cơ thể người để học sinh thực hành bài học.
Học tập
- Sinh viên theo học tại Văn Lang được rèn luyện một Chương trình Giáo dục thể chất đặc biệt, gồm 02 học phần, trong 2 học kỳ, bắt đầu từ năm thứ 2: Sinh viên được chọn học 2 trong 8 học phần: cờ vua, yoga, cầu lông, võ karatedo, thể dục nhịp điệu, bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn.
- Trường xây dựng cho sinh viên một trang học trực tuyến dựa trên hệ thống Moodle và sinh viên có thể bắt đầu sử dụng ngay từ đầu năm học.
- Sinh viên được hỗ trợ trực tuyến qua email hoặc truy cập trực tiếp trang web của trường để xem các hướng dẫn sử dụng trang Học trực tuyến, cách khai thác các ứng dụng số vào việc học.
- Mỗi sinh viên được Nhà trường cấp một tài khoản email phục vụ cho hoạt động học tập, sinh hoạt tại Trường. Sinh viên tự quản lý mật khẩu, tự chịu trách nhiệm về tài khoản của mình. Toàn bộ thông tin học tập, điểm và các thông tin khác của Khoa, Trường sẽ được gửi cho sinh viên qua hệ thống email này.
- Trong tuần học cuối của mỗi học phần, sinh viên được gửi mẫu Phiếu lấy ý kiến của người học về hoạt động giảng dạy vào hệ thống email cá nhân. Thông tin khảo sát online sẽ được xử lý và gửi kết quả cho giảng viên cùng Ban chủ nhiệm Khoa.
- Đặc biệt, sinh viên Văn Lang luôn háo hức mong chờ danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” - danh hiệu của Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng cho những sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện tốt. Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trường do Ban Thư ký Hội Sinh viên Trường công nhận, tặng Giấy Chứng nhận, kỷ niệm chương và phần thưởng hiện vật.
Học bổng
Sinh viên Văn Lang luôn có cơ hội nhận được những phần học bổng giá trị theo từng mức sau:
- Mức 1: 100% học phí của học kỳ đạt học bổng. 1 học bổng/khoa (học bổng thủ khoa).
- Mức 2: 50% học phí của học kỳ đạt học bổng. Số lượng học bổng: 5% số sinh viên đạt học bổng của khoa/khóa.
- Mức 3: 25% học phí của học kỳ đạt học bổng. Số lượng học bổng: 10% số sinh viên đạt học bổng của khoa/khóa.
- Mức 4: 15% học phí của học kỳ đạt học bổng. Số lượng học bổng: 30% số sinh viên đạt học bổng của khoa/khóa.
- Mức 5: 10% học phí của học kỳ đạt học bổng. Số lượng học bổng: 55% số sinh viên đạt học bổng của khoa/khóa.
Học bổng CSC: Dành cho sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm tại Văn Lang. CSC trao học bổng và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên năm 3, năm 4 của chương trình có kết quả học tập tốt. 10 suất/năm, 5.000.000 đồng/suất.
Học bổng Huỳnh Tấn Phát: Dành cho sinh viên ngành Kiến trúc.
Học bổng này có hai mức:
- Xuất sắc: (15.000.000 đồng/ năm) – kết quả học tập trên 8.5 điểm;
- Giỏi: (10.000.000 đồng/ năm) – kết quả học tập từ 8.0 – 8.4.
Học bổng Mitsubishi: Dành cho sinh viên ngành Kỹ thuật Nhiệt, trị giá 2.000.000 đồng/ suất, 30 suất/năm.
Học bổng Cựu Sinh viên:
- Học bổng Cựu Sinh viên Khoa Du lịch: 1.000.000 – 1.500.000 đồng/suất;
- Học bổng Cựu Sinh viên Khoa Quản trị Kinh doanh: 1.000.000 đồng/suất;
- Học bổng Cựu Sinh viên Khoa Kế toán Kiểm toán: 500.000 đồng/suất, 20 suất/năm;
- Học bổng Cựu Sinh viên Khoa Thương mại: 2.000.000 đồng/suất, 35 suất/năm;
- Học bổng Cựu Sinh viên Khoa Tài chính Ngân hàng: 500.000 đồng/suất, 10 suất/năm.
Học bổng Feras: Dành cho sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường Văn Lang, trị giá 2.000.000 đồng/suất, 10 suất/năm.
- Hoạt động ngoại khóa
Hoạt động phong trào sôi nổi là một trong những điểm mạnh của sinh viên Văn Lang. Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động cấp Trường, cấp Khoa trong năm để sinh viên vui chơi học tập, rèn luyện kỹ năng, thỏa sức sáng tạo và gắn kết sinh viên các khóa, các khoa. Đây là những chương trình của sinh viên, do sinh viên tổ chức và đậm “chất” sinh viên Văn Lang.
Các hoạt động phong trào cấp Trường nổi bật hằng năm của sinh viên Văn Lang có thể kể đến:
- Hội diễn văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11;
- Hội thao sinh viên Văn Lang;
- Cuộc thi Olympic Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh;
- Vui Tết xa nhà dành cho các bạn sinh viên không có điều kiện về quê ăn Tết;
- Ngày hội Sinh viên Văn Lang; Hội chợ Trao đổi sách và đồ cũ;
- Hội thi Sinh viên Văn Lang với truyền thống Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo;
- Giải bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn nam nữ, cờ vua, cờ tướng cấp Trường;
- Đêm hội Kiến Xây của khoa Kiến trúc và khoa Xây dựng;
- Lễ hội Hòa sắc của khoa Mỹ thuật Công nghiệp;
- Nhạc hội ITS của sinh viên 3 ngành Kỹ thuật Nhiệt – Kỹ thuật Phần mềm – Công nghệ Sinh học;
- Đêm hội Halloween của khoa Ngoại ngữ;
- Chương trình NEON của khoa Quan hệ Công chúng & Truyền thông;
- Cuộc thi Nhà Quản trị tương lai của ngành Quản trị Kinh doanh;
- Hội thi Vẻ đẹp tiềm ẩn của khoa Du lịch;
- Chương trình Cơn lốc xanh của ngành Kế toán…
- Đặc biệt, vào các năm chẵn, sinh viên khoa Kiến trúc tham gia Festival Sinh viên Kiến trúc toàn quốc.
- Thêm vào đó, mỗi năm, Trường Đại học Văn Lang dành phần thưởng cao quý cho những sinh viên đại diện tiêu biểu nhất: hành trình 12 ngày đêm dọc miền đất nước về thăm Đất Tổ Hùng Vương. Hiện đã có 20 đoàn sinh viên đại diện Văn Lang in dấu chân lên những bậc thềm của Đền Hùng, báo công Quốc Tổ.
Câu lạc bộ - Đội - Nhóm
- Văn Lang hiện có 12 CLB, Đội, Nhóm cấp Trường và 17 CLB, Đội, Nhóm cấp Khoa; thuộc lĩnh vực học thuật, kỹ năng, văn hóa, nghệ thuật, thể thao,…
- Sinh viên có thể tham gia nhiều hơn một CLB, Đội, Nhóm phù hợp để phát triển sở trường, kỹ năng mềm và giao lưu với các bạn trong Trường, giải tỏa căng thẳng sau những giờ học chính khóa.
- Một số CLB, Đội cấp Trường nổi bật: Đội Công tác Xã hội, CLB Event, CLB Kỹ năng Ba lô Xanh, CLB âm nhạc SOL, CLB Bóng đá, CLB Bóng chuyền, CLB Cầu lông, CLB Cờ vua,…
- Mỗi Khoa đều có ít nhất một CLB về học thuật để sinh viên trao đổi học tập, sinh hoạt ngoại khóa, rèn luyện ngoại ngữ khá bổ ích. Đầu mỗi năm học, các CLB, Đội, Nhóm đều tổ chức tuyển tân thành viên, đây là cơ hội để sinh viên năm nhất tìm được “ngôi nhà nhỏ” sinh hoạt ngoài giờ trong gia đình Văn Lang.
- Ngoài ra, các bạn sinh viên yêu thích vận động có thể đăng ký tham gia các câu lạc bộ (CLB) thể dục thể thao của sinh viên như: CLB Bóng rổ, CLB Cầu lông, CLB Bóng bàn, CLB Bóng đá, CLB Cờ vua – Cờ tướng, …
Hoạt động từ thiện
- Không chỉ năng nổ với những hoạt động ngoại khóa, sinh viên Văn Lang cũng luôn nhiệt huyết với những hoạt động thiện nguyện do nhà trường hay các CLB, Đội, Nhóm tổ chức.
- Các hoạt động tình nguyện thường niên có sự góp mặt đông đảo của sinh viên như: Hiến máu tình nguyện, Mùa hè Xanh, Quyên góp ủng hộ nạn dân vùng thiên tai, bão lũ…
Hoạt động hướng nghiệp
- Đại học Văn Lang thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về việc làm cho sinh viên năm cuối, mời các doanh nghiệp về dịch vụ lao động, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đến tham gia để hướng dẫn, trao đổi với sinh viên về các yêu cầu và điều kiện tuyển dụng lao động cho sinh viên tốt nghiệp.
- Trường cũng mời trực tiếp lãnh đạo các công ty tư vấn việc làm uy tín như Vietnam Work, Kiếm Việt, Chí Việt… đến tư vấn việc làm cho sinh viên dưới hình thức nói chuyện chuyên đề.
- Ngoài ra, mỗi năm, trường đều tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ cho sinh viên với các cựu sinh viên để học tập về kinh nghiệm hội nhập và thăng tiến sau khi ra trường.
Khám phá trường / cơ sở đào tạo trong nước khác
Liên hệ với cơ sở đào tạo

Đại học Văn Lang
Địa chỉ: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, Tp. HCM