Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM
Quốc gia: Việt Nam
Sau Hiệp định Genève 1954, trên cơ sở Đại học Văn khoa ở Hà Nội, Trường được tái lập ở Sài Gòn vào tháng 11 năm 1955 với tên gọi là Trường Cao đẳng dự bị Văn khoa Pháp và là trường thành viên của Viện Đại học Quốc gia Việt Nam ở Sài Gòn. Đến ngày 01-3-1957, Trường chính thức thành lập với tên gọi Trường Đại học Văn khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Từ năm 1976 đến năm 1996, Trường trở thành bộ phận các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 30-3-1996, Trường mang tên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh theo quyết định số 1233/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hiện nay, Trường đào tạo các trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân và các khoá đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu xã hội. Các chương trình đào tạo đáp ứng tốt nhu cầu học tập, nghiên cứu đa dạng của người học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước. Từ thành quả đào tạo của trường, nhiều cựu sinh viên đã và đang đóng góp không ngừng nghỉ cho sự phát triển của đất nước, nhiều cựu sinh viên đã trở thành những chính trị gia xuất sắc của đất nước với các trọng trách như như Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Uỷ viên Bộ chính trị, bí thư các tỉnh thành phố,…
Nhà trường là đơn vị tiên phong trong việc khai mở ra những ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu xã hội như: Việt Nam học, Đông phương học, Nhân học, Quan hệ quốc tế, Đô thị học, Ngữ văn Tây Ban Nha, Ngữ văn Ý...; là đơn vị dẫn đầu cả nước về việc thu hút sinh viên và học viên quốc tế với trên 300 học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên đến từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ đến học tập toàn thời gian và trên 5.000 lượt học viên, sinh viên đến học tập, nghiên cứu ngắn hạn hàng năm.
Toàn trường hiện nay có hơn 16.000 sinh viên các hệ đại học và sau đại học được đào tạo theo 54 chương trình giáo dục (phân ngành) thuộc 30 ngành đào tạo bậc đại học, 44 chương trình sau đại học và trên 10 chương trình liên kết quốc tế. Chương trình đào tạo Việt Nam học, Ngữ văn Anh, Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ học, Báo chí, Công tác xã hội, Giáo dục học đã được Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) kiểm định chất lượng.
Các hoạt động hợp tác quốc tế là điểm mạnh của Nhà trường. Trường có quan hệ đối tác với hơn 250 trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới. Quan hệ quốc tế được thể hiện trong nhiều hình thức đa dạng bao gồm: Trao đổi sinh viên và giảng viên theo các chương trình ngắn hạn và dài hạn; Các chương trình học tập ở nước ngoài; Các chương trình đào tạo chung và công nhận tín chỉ lẫn nhau cấp đại học học sau đại học; Các dự án nghiên cứu chung và tổ chức hội nghị/hội thảo khoa học quốc tế và xuất bản các ấn phẩm khoa học về các vấn đề đương đại trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Với những đóng góp và thành tích đạt được trong tổ chức và hoạt động trong nhiều năm qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vinh dự nhận các chứng nhận kiểm định, danh hiệu thi đua, khen thưởng.
- Huân chương Độc lập hạng Ba
- Huân chương Lao động hạng Nhất
- Huân chương Lao động hạng Ba
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
- Cờ thi đua Chính phủ
- Tập thể lao động xuất sắc
CÔNG NHẬN
- Thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - hệ thống đại học hàng đầu Việt Nam, TOP 701-750 thế giới, 143 Châu Á.
- Sinh viên hoàn thành chương trình học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ được cấp bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
KIỂM ĐỊNH
- Với những đóng góp và thành tích đạt được trong tổ chức và hoạt động trong nhiều năm qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vinh dự nhận các chứng nhận kiểm định:
- Tháng 5 năm 2017, Trường nhận Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) cấp.
- Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ được Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN - ASEAN University Network) kiểm định chất lượng cấp Cơ sở đào tạo vào năm 2021.
Hiện nay, Trường có hai cơ sở đào tạo:
- Cơ sở chính: tại số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, quận 1 với diện tích 1,2 ha. Cơ sở chính gồm văn phòng Ban Giám hiệu, các phòng/ ban, khoa, bộ môn, trung tâm... đào tạo sau đại học, các chương trình dành cho cho học viên người nước ngoài, các chương trình liên kết quốc tế và sinh viên chương trình đào tạo chất lượng cao.
- Cơ sở Linh Trung, Thủ Đức: rộng trên 23 ha đào tạo sinh viên từ năm thứ nhất đến khi tốt nghiệp. Trường đang đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở Linh Trung thành cơ sở đào tạo hiện đại, có các khu chức năng như nhà làm việc, giảng dạy, nghiên cứu, thư viện, bảo tàng, khu phức hợp thể dục thể thao, dịch vụ,… nằm trong khu quy hoạch chung rộng hơn 700 ha của ĐHQG-HCM.
Phong trào sinh viên trường luôn ở trong số các trường có phong trào sinh viên sôi nổi của thành phố và của phong trào sinh viên cả nước. Nhà trường là nơi khởi đầu của Chiến dịch Xuân tình nguyện mà nay đã trở thành hoạt động tình nguyện quốc gia; là nơi mà lễ hội văn hoá các ngành học trở thành bản sắc với Lễ hội văn hoá Đông phương, Ngày hội Việt Nam học, Ngày hội Nhân học, Ngày hội Xã hội học, Ngày hội văn hoá Tây Ban Nha… hay sân chơi Điểm hẹn văn hoá nhân văn phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc…
Sinh viên trường với đặc trưng ngành học về văn hoá, ngôn ngữ của nhiều quốc gia như Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Nga, Italia, Pháp, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… đã hoà mình vào môi trường văn hoá, học thuật đa văn hoá. Hàng năm, có hàng trăm sinh viên trường tham gia các chương trình giao lưu, trao đổi văn hoá với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục. Trường ĐH KHXH&NVcũng là nơi có nhiều sinh viên được tiếp nhận các học bổng học tập ngoài nước