Đại học Cần Thơ
Quốc gia: Việt Nam
Đại học Cần Thơ tiền thân là Viện Đại học Cần Thơ thành lập năm 1966, là cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trọng điểm của Nhà nước ở ĐBSCL, là trung tâm văn hóa - khoa học kỹ thuật của vùng. Trường đã không ngừng hoàn thiện và phát triển, từ một số ít ngành đào tạo ban đầu, Trường đã củng cố, phát triển thành một trường đa ngành đa lĩnh vực. Hiện nay Trường đào tạo 91 chuyên ngành đại học (trong đó có 2 chương trình đào tạo tiên tiến, 8 chương trình đào tạo chất lượng cao), 51 chuyên ngành cao học (trong đó 1 ngành liên kết với nước ngoài, 3 ngành đào tạo bằng tiếng Anh), 19 chuyên ngành nghiên cứu sinh.
Nhiệm vụ chính của Trường là đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH), chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Song song với công tác đào tạo, ĐHCT đã tham gia tích cực các chương trình NCKH, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề về khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá và xã hội của vùng.
Trường đã ký kết hợp tác toàn diện về nghiên cứu khoa học và đào tạo với Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL và Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam. Trường cũng đã Thỏa thuận hợp tác với hầu hết UBND các tỉnh vùng BĐBSCL trong công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, Trường đã Ký kết Thỏa thuận hợp tác trong đào tạo và NCKH với 10 trường Đại học khối Nông-Lâm-Ngư trong cả nước.
Trường đang tập trung mở rộng năng lực đào tạo sau đại học nhằm giúp giải quyết nhu cầu bức thiết phải nâng cấp nhanh lực lượng cán bộ giảng dạy của Trường, các trường đại học, cao đẳng cán bộ nghiên cứu thuộc các tỉnh vùng ĐBSCL. Tăng cường đào tạo ngắn hạn, mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ cho cán bộ và nhân dân trong vùng... Chuyển mạnh từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, của xã hội.
Mối quan hệ giữa Trường với các tỉnh trong vùng ngày càng được thắt chặt trong sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Sự ưu ái của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là của Thành phố Cần Thơ đối với Trường ĐHCT là một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Trường.
- CÔNG NHẬN
Trường Đại học Cần Thơ được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận. Hoàn thành các khóa học của trường Đại học Cần Thơ sinh viên được cấp bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- KIỂM ĐỊNH
Vào ngày 15/7/2013, Đại học Cần Thơ đã đạt được chứng nhận kiểm định AUN-QA của tổ chức ASEAN University Network, chứng nhận bằng cấp của trường có giá trị sử dụng tại các nước Đông Nam Á.
Đến năm 2020, trường có 5 chương trình đạt chuẩn AUN-QA, đồng thời trường tiến hành chuẩn bị hồ sơ với 8 chương trình khác, dự kiến kiểm định và công nhận trong năm 2021.
Trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đại học Cần Thơ có môi trường học tập thân thiện, khuôn viên xanh - sạch - đẹp với diện tích hơn 2 triệu m2. Tính đến năm 2020, cơ sở vật chất của trường gồm :
- Giảng đường, hội trường, phòng học: 58.881m2 với 378 phòng.
- Thư viện và Trung tâm học liệu: 11.795m2.
- Phòng học ngoại ngữ, đa phương tiện, biên dịch: 830m2 với 15 phòng.
- Phòng thí nghiệm, thực hành thí nghiệm: 42.715m2 với 134 phòng.
- Phòng làm việc của Giáo sư, Phó Giáo sư và giảng viên cơ hữu: 10.945m2.
- Nhà thể dục thể thao: 4.965m2.
- Sân vận động và sân thể dục thể thao: 55.879m2.
- Ký túc xá: 73.020m2 với 1.330 phòng.
- Nhà ăn của cơ sở đào tạo: 2.320m2.
Hệ thống dịch vụ hỗ trợ sinh viên hiện đại. Trung tâm Phục vụ Sinh viên cung cấp hơn 10.000 chỗ ở ký túc xá.
Trung tâm Học liệu là thư viện điện tử đầu tiên tại Đồng bằng Sông Cửu Long không những cung cấp các bộ sưu tập phong phú về tài liệu và dịch vụ mà còn tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và phương tiện nhằm phục vụ bạn đọc học tập và nghiên cứu tốt nhất. Trung tâm Học liệu phục vụ:
- Khoảng 500 máy tính
- Bàn ngồi tự học và đọc sách
- Khu vực ghế sofa ngồi đọc sách/báo thư giãn
- Phòng thảo luận: Phục vụ sinh viên học nhóm và trình bày nhóm. Xem chi tiết
- Khu vực Học tập – Thư giãn tại tầng 1
- Phòng Sau Đại học: Phục vụ học viên cao học và nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu. Xem chi tiết
- Máy in và máy photo
- Máy scan
- Phòng Nghe nhìn đa phương tiện: Gồm có máy tính kèm headphone, máy cassette, tivi, phòng Thảo luận Nghe nhìn phục vụ chiếu phim phụ đề tiếng Anh và cho sinh viên mượn học nhóm về ngoại ngữ.Xem chi tiết
- Tầng 4: Có các Hội trường và phòng Hội nghị hiện đại là nơi tổ chức các Hội thảo và Hội nghị chuyên ngành mà bạn đọc có thể tham gia khi phù hợp.
Hội sinh viên Đại học Cần Thơ là đơn vị trực thuộc Hội sinh viên Thành phố Cần Thơ, hiện có hơn 13.000 Hội viên (năm 2020) sinh hoạt tại các Liên chi hội sinh viên, Câu lạc bộ, Đội nhóm trực thuộc. Có một điểm đặc biệt trong cơ cấu tổ chức Hội sinh viên tại Đại học Cần Thơ là mô hình các Liên chi hội sinh viên theo 13 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gồm có: Liên chi hội sinh viên Long An, Liên chi hội sinh viên Tiền Giang, Liên chi hội sinh viên Đồng Tháp, Liên chi hội sinh viên Bến Tre, Liên chi hội sinh viên Vĩnh Long, Liên chi hội sinh viên Trà Vinh, Liên chi hội sinh viên An Giang, Liên chi hội sinh viên Cần Thơ, Liên chi hội sinh viên Hậu Giang, Liên chi hội sinh viên Sóc Trăng, Liên chi hội sinh viên Bạc Liêu, Liên chi hội sinh viên Cà Mau, Liên chi hội sinh viên Kiên Giang.
Các Câu lạc bộ, đội nhóm trực thuộc: Đội Công tác xã hội, Câu lạc bộ Bốn phương, Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện, Câu lạc bộ Môi trường, Câu lạc bộ Tương lai xanh Cần Thơ.
Ngoài các đơn vị Hội tại TP Cần Thơ, Hội sinh viên trường Đại học Cần Thơ còn có các Chi hội sinh viên tại Khoa Phát triển nông thôn - Khu Hòa An, tập hợp sinh viên của các tỉnh, thành ĐBSCL thuộc Liên chi hội sinh viên tương ứng tại Cần Thơ.
Nhằm cung cấp các thông tin liên quan đến nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp trong cán bộ trẻ và sinh viên, Đoàn Thanh niên phối hợp với Phòng Quản lý Khoa học và Trung tâm Tư vấn, Hỗ trợ và Khởi nghiệp sinh viên - Trường Đại học Cần Thơ tổ chức chương trình “Café Khoa học và Khởi nghiệp”.
Chương trình với hình thức livestream trên trang fanpage của Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên, đã thu hút sự quan tâm của số lượng lớn sinh viên. Ở mỗi chương trình, Ban Tổ chức đã xây dựng các chủ đề khác nhau và mời các diễn giả là thầy, cô và cựu sinh viên, những người có kinh nghiệm hay đang làm công tác quản lý, hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp.