Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng
Quốc gia: Việt Nam
Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng tiền thân là Cơ sở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 395B/QĐ ngày 14.4.1985 của Bộ Giáo Dục (cũ). Thực hiện việc tổ chức và sắp xếp lại một số trường đại học trọng điểm trong cả nước, ngày 04 tháng 4 năm 1994 Chính phủ ban hành Nghị định số 32/CP về việc thành lập Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) với chức năng là một đại học vùng đa lĩnh vực, một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn của Việt Nam. Sau 8 năm cùng gắn bó và thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình tại trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN, ngày 26 tháng 8 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 709/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng.
Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng đã từng bước trưởng thành và phát triển, khẳng định được vị thế trong hệ thống giáo dục quốc dân, là nơi hun đúc tài năng trí tuệ của các thế hệ sinh viên với triết lý giáo dục: Nhân văn - Sáng tạo - Thích ứng.
Nhà trường đã cử hàng trăm lượt giảng viên, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong và ngoài nước để tiếp cận, lĩnh hội nguồn tri thức phong phúc của nhân loại và có điều kiện nắm bắt các phương pháp, phương tiện giảng dạy hiện đại trên thế giới, đảm bảo công tác giảng dạy ngày càng được hiện đại hoá, từng bước tiếp cận với nền giáo dục hiện đại trong khu vực và trên thế giới.
Việc liên kết với các cơ sở giáo dục, các địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước tiếp tục được mở rộng, tạo điều kiện để trao đổi sinh viên, phối hợp hiệu quả trong công tác đào tạo, tiếp nhận đội ngũ chuyên gia, tình nguyện viên nước ngoài; nguồn tài liệu tham khảo, tăng cường cơ sở vật chất. Từ việc chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhà trường đã ký thỏa thuận hợp tác và tổ chức cho sinh viên được đi thực tập tại các cơ sở, các doanh nghiệp ở nước ngoài tại Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc...
Công tác NCKH đã được giảng viên nhà trường quan tâm đầu tư ngày càng có chiều sâu. Số lượng các bài báo, công bố khoa học đặc biệt là công bố trên tạp chí quốc tế bao gồm cả tạp chí có chỉ số ISI, SCOPUS, SCI tăng hàng năm. Nhiều hội thảo quốc gia, quốc tế đã được tổ chức tạo nên môi trường sinh hoạt, học thuật sôi nổi trong toàn trường. Tại các cuộc thi hùng biện cấp quốc gia và quốc tế, sinh viên của Nhà trường luôn đạt những giải thưởng cao. Những kết quả và thành tựu đạt được trong sự nghiệp đào tạo là nền tảng vững chắc, là hành trang khích lệ tập thể cán bộ viên chức, sinh viên Trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Đà Nẵng quyết tâm giữ gìn uy tín, chất lượng, giá trị cốt lõi và những cam kết đối với xã hội..
KIỂM ĐỊNH
Khoa Quốc tế học, Khoa tiếng Anh cùng với các đơn vị chức năng trong toàn trường đã thực hiện thành công đợt đánh giá ngoài chương trình đào tạo ngành Quốc tế học theo tiêu chuẩn AUN-QA vào tháng 2/2019 và ngành Ngôn ngữ Anh theo chuẩn AUN-QA vào tháng 10/2019 đã được tổ chức kiểm định quốc tế mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN) trao chứng nhận chương trình đào tạo đạt chuẩn Quốc tế. Trường Đại học Ngoại ngữ tự hào có ngành Quốc tế học và Ngôn ngữ Anh được công nhận đạt chuẩn AUN-QA.
Thư viện là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu tổ chức của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng. Thư viện giữ vị trí quan trọng trong việc cung cấp nguồn học liệu đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập nghiên cứu, phục vụ hoạt động giáo dục đào tạo của Nhà trường. Nguồn học liệu của Thư viện Trường Đại học Ngoại ngữ Đại học Đà Nẵng được bổ sung chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực tài liệu nghiên cứu, dạy và học về các ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Hàn Thái. Với tổng số 43.279 bản tài liệu, tương ứng với 15.483 tên sách. Trong đó có 9.637 tài liệu giáo trình và 50 tên báo, tạp chí. Khu vực làm việc của thư viện với hơn 600 mét vuông được tách riêng thành bộ phận xử lý kỹ thuật và kho sách, lưu thông tài liệu phục vụ bạn đọc.
Tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác về đào tạo - thực hành - thực tập nghề nghiệp với các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhằm tạo cầu nối vững chắc hơn nữa để sinh viên tiếp cận thực tiễn sản xuất cũng như tiếp cận cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp; Triển khai liên kết hợp tác với các địa phương và doanh nghiệp nhằm xây dựng các cơ sở thực hành, thực tập, thực tế cho giảng viên và sinh viên.
Quan tâm giải quyết kịp thời những nhu cầu chính đáng của người học, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tạo sân chơi bổ ích, thiết thực đối với sinh viên; Tăng cường phối hợp tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua học tập, rèn luyện cho sinh viên, nâng cao kiến thức và kỹ năng mềm cho sinh viên; Chú trọng hơn nữa việc tổ chức học tập nghị quyết, chủ trương, chính sách; tổ chức giáo dục tư tưởng, truyền thống cho sinh viên; Kêu gọi và đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết với các tổ chức nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sinh viên. Liên kết tốt với các doanh nghiệp để làm cầu nối cho sinh viên trong việc thực hiện các chương trình Khởi nghiệp; Tổ chức thực hiện nhiều hơn nữa các buổi tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên, nhằm giúp sinh viên xác định con đường, lựa chọn cách thức sự nghiệp cho bản thân.