- Trang chủ
- Danh sách trường
- Đại học khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM

Đại học khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM




Chương trình đào tạo
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Trường Cao đẳng Khoa học
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. HCM) có tiền thân là trường Cao đẳng Khoa học trực thuộc Viện Đại học Dông Dương được thành lập theo sắc lệnh ngày 26/7/1941. Nhiệm vụ của trường Cao đẳng Khoa học từ năm 1941 - 1942 là đào tạo và cấp các chứng chử: Toán Đại cương (M.G); Toán, Lý, Hóa (M.P.C); Lý, Hóa, Khoa học tự nhiên (S.P.C.N). Tháng 10/1942 Trường bắt đầu tổ chức kỳ thi nhập học chứng chỉ M.G và chứng chỉ M.P.C tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn.
Năm 1947, một trung tâm thứ hai được thiết lập tại Sài Gòn và tọa lạc trên phần đất của bệnh viện Dejean de la Bâtie, nay là Bệnh viện Sài Gòn.
Năm học 1947-1948 trường mở các chứng chỉ (c/c): Toán học có c/c Toán Đại cương, c/c Toán Vi phân và Tích phân; Khoa học Tự nhiên có c/c Thực vật đại cương, c/c Động vật, c/c Sinh lý đại cương, c/c Vật lý, c/c Hóa học và Sinh học.
Ngày 23/11/1947 thành lập phân ban Vô tuyến điện trực thuộc phòng thí nghiệm Vật lý, đào tạo các cán sự Vô tuyến điện.
Trường Đại học Khoa học
Trong Bản Hiệp ước văn hóa Pháp - Việt, ký kết ngày 30/12/1949, Viện Đại học Đông Dương biến đổi thành Viện Đại học hỗn hợp Pháp - Việt lấy tên là Viện Đại học Hà Nội, gồm 2 trung tâm: một Trung tâm ở Hà Nội và một Trung tâm ở Sài Gòn. Viện này được quyền tự trị hành chính và tài chính, bắt đầu hoạt động từ tháng 1/1951 dưới sự điều hành của Viện trưởng người Pháp và được trợ giúp bởi một Phó Viện trưởng người Việt.
Ngày 12/11/1953, một văn bản của hai chính phủ Pháp và Việt nam đổi tên trường Cao đẳng Khoa học thành trường Đại học Khoa học (còn gọi là Khoa học Đại học đường), gồm một trung tâm ở Hà Nội và một trung tâm ở Sài Gòn.
Tháng 11/1954, trung tâm ở Hà Nội di chuyển vào nam và sáp nhập với Trung tâm ở Sài Gòn. Ban đầu gồm có các trường: ĐH Luật khoa, ĐH hỗn hợp Y-Dược khoa, ĐH Khoa học, Cao đẳng Kiến trúc, Trường dự bị Văn khoa. Bản Hiệp ước Văn hóa Việt-Pháp (30/12/1949) và sau đó là thỏa thuận bổ sung (08/01/1951) đã quyết định sẽ chuyển giao điều hành từ chính phủ Pháp qua Việt Nam. Ngày 11/5/1955 Lễ chuyển giao từ chính phủ Pháp cho Việt Nam đã được tiến hành. Ngày này trở thành mốc đánh dấu ngày thành lập Viện Đại học Quốc gia Việt Nam. Viện Đại học Quốc gia Việt Nam được đặt dưới sự điều hành của một Viện Trưởng người Việt Nam. Theo Sắc lệnh số 247 ngày 28/4/1955, Ông Nguyễn Quang Trình, Giáo sư thực thụ, Tiến sĩ Khoa học, đã được cử làm Viện trưởng Viện Đại học Quốc gia. Đồng thời, GS Nguyễn Quang Trình được bổ nhiệm là Quyền Khoa Trưởng Khoa học Đại học Đường (tức Trường Đại học Khoa học).
Ngày 22/12/1955 lễ khai giảng các trường Đại học diễn ra sau khi ký kết văn kiện chuyển giao. Sĩ số sinh viên của Trường Đại học Khoa học tính đến ngày 01/01/1956 là 743 sinh viên với 15 Giáo sư (có 7 người Pháp). Các kỳ thi cuối niên học 1955-1956, khóa thứ I (ngày nay gọi là thi lần 1), mở từ ngày 11/6/1956, kết quả số sinh viên thi đạt là 96 trên số sinh viên dự thi là 326. Kỳ thi khóa II, mở ngày 16/10/1956, kết quả số sinh viên thi đạt là 84 trên số sinh viên dự thi là 241.
Tháng 3 năm 1957, sau khi Viện Đại học Huế được thành lập thì Viện Đại học Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Viện Đại học Sài Gòn; cũng từ đó trường Đại học Khoa học được mang tên Trường Đại học Khoa học Sài Gòn.
Ngày thứ ba, 13/10/1964, lúc 9g sáng đã diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng tòa nhà thuộc Trường Đại học Khoa học Sài Gòn tại khu Đại học Thủ Đức (cơ sở Linh Trung hiện nay), theo chương trình Viện trợ Văn hóa cho Chính phủ Việt Nam của Tân Tây Lan (New Zealand).
Trường Đại học Khoa học Sài Gòn được xem là trường khoa học cơ bản mạnh nhất lúc bấy giờ và là cái nôi nghiên cứu khoa học cơ bản. Trường đào tạo hệ đại học và sau đại học, tổ chức bảo vệ luận án "Tiến sĩ quốc gia" đầu tiên về Hóa học vào năm 1965, từ đó trường tổ chức đào tạo Bằng "Tiến sĩ quốc gia" và "Tiến sĩ Đệ tam cấp" trong các ngành khoa học.
Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
Được thành lập ngày 30/4/1977 theo quyết định của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp hợp nhất từ hai trường ĐH Văn Khoa và ĐH Khoa học (của Viện Đại học Sài Gòn cũ) với mục tiêu đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học tự nhiên và xã hội, đào tạo giảng viên giảng dạy khoa học cơ bản cho các trường trong khu vực. Trường gồm 16 khoa: Toán, Vật lý, Hóa, Sinh, Địa lý, Địa chất, Ngữ văn, Sử học, Triết, Kinh tế, Thư viện, Anh, Pháp, Nga, Luật và Đông Phương học. Ngoài ra còn có 7 trung tâm NCKH - dịch vụ và sản xuất.
Trường đóng vai trò lớn trong việc đào tạo hàng ngàn nhà khoa học trẻ trên hai lãnh vực là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trường có mối quan hệ với hàng chục trường đại học, viện và tổ chức giáo dục trên thế giới. Từng tổ chức nhiều hội thảo khoa học và cử cán bộ tu nghiệp và trao đổi chuyên môn.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Năm 1996, Trường ĐH KHTN được chính thức thành lập theo quyết định 1236/GDĐT của Bộ GD&ĐT ngày 30/3/1996 trên cơ sở tách ra từ Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM để tham gia vào Đại học Quốc gia TP.HCM.
Trường hiện có 09 Khoa; 16 trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Hiện nay, Trường đang có 32 chuyên ngành ở bậc sau đại học (SĐH) và 13 ngành (52 chuyên ngành) đào tạo ở bậc đại học (ĐH): Toán học, Nhóm ngành Công nghệ Thông tin, Vật lý, Kỹ thuật Điện tử - Truyền thông, Khoa học Vật liệu, Hóa học, Sinh học, Công nghệ Sinh học, Địa chất, Khoa học Môi trường, Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Hải Dương học và Kỹ thuật Hạt nhân. Trường đào tạo các văn bằng: Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân Đại học, Cử nhân Cao đẳng, Hoàn chỉnh, Từ xa, Vừa làm vừa học. Hằng năm Trường có trên 2.500 Cử nhân và gần 250 Thạc sĩ, Tiến sĩ ra trường, cung cấp đội ngũ cán bộ khoa học tự nhiên cho Tp.HCM và các tỉnh trong toàn quốc.
Các năm qua, Trường được Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng các ngành mũi nhọn như: Công nghệ thông tin, Công nghệ Sinh học, Khoa học vật liệu với các phòng thí nghiệm có thiết bị hiện đại. Trường có mối quan hệ với 63 tổ chức, đơn vị trong nước và 41 trường đại học, tổ chức quốc tế. Trường ĐH KHTN là 1 trong 2 trường đại học đầu tiên của cả nước áp dụng thành công học chế tín chỉ từ năm 1994. Ngoài ra, Trường còn phụ trách chương trình đào tạo ngành CNTT (thuộc 1 trong 10 chương trình tiên tiến đầu tiên của Bộ GD&ĐT) và nhiều năm liền được Bộ xếp hạng và đánh giá cao.
Bên cạnh đó, trường còn luôn là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu cơ bản, phát triển và ứng dụng các lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn vào thực tiễn sản xuất. Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc của Trường đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế đánh giá cao về thành tích đào tạo cán bộ và nhân lực cho ngành hỗ trợ sinh sản, điều trị vô sinh, thụ tinh trong ống nghiệm tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam; đồng thời là phòng thí nghiệm tiên phong về nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực tế bào gốc tại Việt Nam.
ĐHQG TP.HCM là một đại học đa lĩnh vực, được chính phủ đầu tư đặc biệt về tài chính và tạo điều kiện về cơ chế nhằm đi đầu trong chất lượng đào tạo, phương pháp giảng dạy tiên tiến, đẩy mạnh khoa học công nghệ và hỗ trợ nguồn cán bộ khoa học cho khu vực phía Nam.
TẦM NHÌN
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hướng đến việc trở thành một đại học nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á về đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ nền tảng của nền kinh tế tri thức trong thế kỷ 21.
SỨ MẠNG
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, cung cấp nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia trình độ cao trong lĩnh vực khoa học cơ bản và khoa học công nghệ mũi nhọn, có năng lực sáng tạo, làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế; là nơi thực hiện những nghiên cứu khoa học đỉnh cao tạo ra các sản phẩm tinh hoa đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học công nghệ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Tháng 12/2009, ngành CNTT của Trường đã được tổ chức quốc tế AUN kiểm định chất lượng đánh giá cho điểm cao nhất nước, xếp hạng 2 trong toàn khu vực Đông Nam Á.
Sáng ngày 29/05/2017, ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với Trung tâm Kiểm Định Chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội (Trung tâm KĐCLGD-ĐHQGH) tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho 04 trường thành viên ĐHQG-HCM, trong đó có Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục với tỷ lệ các tiêu chí đạt yêu cầu là 86,9%. Đây được xem là một sự kiện trọng đại của ĐHQG-HCM nói chung và Trường ĐH KHTN nói riêng. Cùng với Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV và ĐH Khoa học Tự nhiên là 3 đơn vị đạt kết quả vào top đầu trong số các trường đại học Việt Nam được Trung tâm kiểm định.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 2 cơ sở chính:
• Cơ sở 1: 227 Nguyễn Văn Cừ, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
• Cơ sở 2: Phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Được đánh giá là một trong những Trường thực hiện tốt nhất công tác xây dựng, phát triển cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo và NCKH, những năm qua, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa các toà nhà C và nhà E thuộc cơ sở 227 Nguyễn Văn Cừ thay cho những nhà trệt cấp 4 trước đó. Gần đây nhất là toà nhà 11 tầng (Tòa nhà I) với trang thiết bị, phòng học và phòng thí nghiệm hiện đại cũng đã được đưa vào sử dụng, tạo nên một tổng thể mang tính đột phá làm thay đổi sâu sắc bộ mặt nhà trường.
Tại tòa nhà I của cơ sở Nguyễn Văn Cừ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư trang bị hệ thống thư viện được đánh giá là một trong những thư viện hàng đầu của cả nước hiện nay với gần 58.000 đầu sách. Tổng số đầu sách gắn với các ngành đào tạo có cấp bằng của nhà trường là gần 48.000 cuốn. Hệ thống thư viện điện tử (http://gralib.hcmus.edu.vn) của Trường đang phát triển nhanh và hoàn thiện hơn; liên thông với Thư viện Trung tâm của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và mạng thư viện Đại học Việt Nam.
Bên cạnh đó, cơ sở Linh Trung cũng liên tục được đầu tư nâng cấp, tôn tạo. Đặc biệt, năm 2009, Trường đã khánh thành Nhà điều hành cao 10 tầng lầu tại cơ sở 2 nhằm nâng cao chất lượng phục vụ công tác quản lý, giảng dạy của nhà trường và đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của sinh viên. Tòa nhà được xây dựng trên diện tích 1.928 m², nằm trong khuôn viên rộng 34 ha với tổng vốn xây dựng gần 49 tỷ đồng (kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước), hệ thống thiết bị phục vụ và bảo đảm an toàn cũng được đầu tư gần 21 tỷ đồng. Công trình gồm 62 phòng làm việc, phòng họp, phòng làm việc cho các giáo sư, chuyên gia, phòng chuyên đề, phòng mạng máy tính... cùng các trang thiết bị hiện đại khác.
Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động phong trào cho sinh viên:
• Văn hóa văn nghệ:
Hằng năm, Hội Sinh viên trường đều tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ cấp trường đó là Festival Ca – múa – nhạc – kịch và Gala Sinh viên. Festival là sân chơi văn hóa văn nghệ đa dạng gồm Tiếng hát sinh viên, Flashmob và chương trình sân khấu hóa theo chủ đề tổ chức vào năm lẻ, còn Gala là sân chơi các tiểu phẩm kịch theo chủ đề dành cho các Chi hội, được tổ chức vào năm chẵn. Bên cạnh đó, năm tổ chức Gala sẽ là năm tổ chức Hội thao Sinh viên trường. Tính đến tháng 11/2016 đã là mùa Festival thứ 13, Gala thứ 6 và Hội thao thứ 11.
Bên cạnh các sân chơi cấp trường, các cơ sở Hội cũng chủ động tổ chức các sân chơi văn hóa văn nghệ thường niên như Cầu vồng âm nhạc của khoa Toán tin học, BEE Musical và Welcome to Vietnam của CLB Anh văn (BEE Club), Chem’s got Talent của khoa Hóa học,….
Đội Văn nghệ xung kích trực thuộc Hội Sinh viên trường cũng là một đội nhóm mạnh trong phong trào văn nghệ toàn thành phố, đã từng dành nhiều giải thưởng cao trong Liên hoan Tiếng hát sinh viên toàn thành, Đại học Quốc gia.
Một điểm mới trong năm học 2016-2017 là việc lần đầu tiên HSV Trường tổ chức sự kiện Prom 20+ với chủ đề “EX” nhằm tạo sân chơi mới lạ và đáp ứng nhu cầu thị hiếu của sinh viên nhà trường.
• Câu lạc bộ – Đội – Nhóm:
Tính đến tháng 11/2016, Hội Sinh viên trường có tổng cộng 07 CLB – Đội – Nhóm trực thuộc, đó là: CLB Ong nghiên cứu, CLB Anh văn (BEE Club), Đội Công tác xã hội và Đội Văn nghệ xung kích, Đội Sinh viên xung kích, CLB Sinh viên 5 tốt, CLB E-Sport.
Bên cạnh đó, mỗi Liên chi hội trực thuộc đảm bảo ít nhất 03 CLB học thuật, sở thích và tình nguyện được duy trì xuyên suốt hoạt động trong năm học.
• Lĩnh vực học thuật:
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có thế mạnh về việc tổ chức các hoạt động học thuật, với các cuộc thi đã được tổ chức đến năm thứ 15, do đó các cuộc thi học thuật thường niên được mỗi khoa xem là xương sống hoạt động của mình. Các Liên chi hội cũng như các CLB học thuật của cơ sở luôn được xem là đầu tàu của các cuộc thi học thuật cũng như các hoạt động học thuật. Có thể kể đến một số CLB học thuật và cuộc thi lớn như:
STT Liên chi hội CLB học thuật trực thuộc Cuộc thi học thuật lớn thường niên
+ Toán – Tin học CLB học thuật khoa Toán tin học Đi tìm lời giải
+ Vật lý – Vật lý kỹ thuật CLB NES BigbangThách thức cùng Poseidon
Khoá Luận
+ Hóa học CLB Cyber Chem Hóa học và tôiHậu duệ Lavoisiers
+ Sinh học – Công nghệ sinh học CLB học thuật khoa Sinh học Vườn ươm Mendel
+Công nghệ thông tin CLB Anh văn và Pháp văn Thách thức
+Cao đẳng tin học CLB CKIT +Địa chất CLB Marianest Chấn động PangeaMôi trường CLB Xanh Lốc Xanh
+ Điện tử Viễn thông CLB T-Bot E-LaKhoa học Vật liệu CLB SMS Thế mạnh Vật liệu
+ CLB Ong nghiên cứu là CLB được thành lập dựa trên những thành công của Đội hình Ong nghiên cứu trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh trong suốt hơn 10 năm qua. Mục tiêu của CLB là tạo ra một sân chơi học thuật, kích thích tinh thần say mê khám phá, nghiên cứu khoa học cho học sinh THPT trên địa bàn thành phố và sinh viên trường thông qua những hoạt động sáng tạo, ứng dụng những kiến thức khoa học cơ bản vào thực tiễn đời sống, giúp cho những kiến thức khoa học không còn khô khan khi học tập. Hiện tại lĩnh vực của CLB gồm 4 ngành Toán, Lý, Hóa, Sinh.
+ CLB Anh văn (BEE Club) được thành lập với mục tiêu tạo môi trường giao lưu, học tập Anh văn cho các sinh viên trường. Với những hoạt động gần gũi như các buổi sinh hoạt chuyên đề, luyện tập khả năng giao tiếp, tổ chức thi thử TOEIC, sân chơi hát tiếng Anh BEE Musical, sân chơi văn hóa Welcome to Vietnam, BEE Club đang ngày càng khẳng định vị trí và thu hút được đông đảo các bạn sinh viên.
• Lĩnh vực sở thích:
Đội Văn nghệ xung kích được thành lập để tập hợp những cá nhân, đội, nhóm có năng khiếu về các lĩnh vực văn nghệ của trường Đại học Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM. Với truyền thống và kinh nghiệm trong điều hành đã được để lại từ nhiều thế hệ sinh viên, Đội đang dần thể hiện sự chuyên nghiệp trong thể hiện các tiết mục, là một đội nhóm văn nghệ mạnh của TP. HCM.
Bên cạnh đó, tại mỗi cơ sở Hội còn có các CLB văn nghệ như CLB Văn nghệ khoa Toán tin, CLB Guitar của khoa Vật lý,…
• Lĩnh vực tình nguyện:
Hoạt động tình nguyện luôn thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham gia với ý nghĩa nhân văn và thể hiện được tinh thần nhiệt huyết của sinh viên. Đội Công tác xã hội đã ra đời để có thể tổ chức các hoạt động tình nguyện dành riêng cho các sinh viên năm nhất và năm hai tại cơ sở Linh Trung – Thủ Đức. Một số hoạt động thường niên do Đội tổ chức như: Vì thiếu nhi ngoại thành, Hiến máu tình nguyện, Hoạt động Vì trường lớp Xanh – Sạch – Đẹp, Bữa cơm nhân ái,…
Bên cạnh đó, đội Sinh viên Xung kích và các Đội sinh viên tình nguyện của các khoa cũng là đội tổ chức rất nhiều những hoạt động tình nguyện cho sinh viên các khoa như các hoạt động đến các mái ấm, Bữa cơm nhân ái, Vui hội trăng rằm, Xuân tình nguyện,…
• Hỗ trợ sinh viên (nhà trọ, việc làm):
Công tác tư vấn và hỗ trợ sinh viên luôn là nội dung mà Hội sinh viên trường chú tâm thực hiện trong các năm học vừa qua. Ngoài việc là một kênh thông tin, giới thiệu các loại học bổng, các thông tin về nhà trọ và việc làm từ phía cựu sinh viên các khoa, các doanh nghiệp hay Trung tâm hỗ trợ sinh viên trường và thành phố thành phố… Hội Sinh viên trường còn tích cực chủ động tạo nguồn và tìm kiếm học bổng thường xuyên. Hơn thế nữa, việc tạo được nguồn học bổng thông qua việc tổ chức hoạt động có thu và vận động từ các nguồn lực xã hội như tiến hành bán thiệp gây quỹ “Bạn giúp Bạn”; thành lập quỹ học bổng Cựu sinh viên… cũng đã được các cơ sở Hội tập trung đầu tư hệ thống giải pháp và thực hiện chủ động.
• Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh:
Bắt nguồn từ chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè vào năm 1994 tại trường Đại học Sư phạm TP. HCM, sau đó Thành Đoàn đổi tên thành chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh vào năm 1997, sau đó được nhân rộng mô hình trên toàn quốc vào năm 2000.
Năm 2013 vừa qua đánh dấu sự trưởng thành của chiến dịch ở tuổi 20, thể hiện sự hấp dẫn cũng như sự sôi nổi của phong trào tình nguyện lớn nhất cả nước.
Với phương châm “Ứng dụng chuyên môn vào hoạt động tình nguyện”, Chiến dịch tình nguyện Mùa hè Xanh Trường Đại học Khoa học Tự nhiên luôn tự hào với những mặt trận đậm tính chuyên môn và rất riêng chỉ có tại đơn vị như mặt trận Ong nghiên cứu, mặt trận Tuyên truyền Môi trường, mặt trận Vườn ươm tuổi thơ, đội hình Chuyên địa chất, đội hình Tin học hóa, và đặc biệt là đội hình chuyên “Xung kích ứng phó biến đổi khí hậu” tại địa bàn huyện Ba tri, tỉnh Bến Tre được thành lập vào năm 2016 nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay về các vấn đề ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn…
Với khẩu hiệu “Chiến sĩ Mùa hè xanh ở dân thương – làm dân tin – đi dân nhớ”; “Chiến sĩ Mùa hè xanh năng động, sáng tạo, tình nguyện vì dân”, chiến dịch Mùa hè xanh luôn để lại những hình ảnh tốt đẹp trong mắt người dân, là cơ hội cho sinh viên “Đi để cống hiến, đi để trải nghiệm, đi để trưởng thành”
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP.HCM
Địa chỉ: 227 Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận 5, Tp.HCM
Để nhận thông tin ưu đãi từ Edunet:
Điện thoại: 024 3775 7221
Email: infor@edunet.vn
Liên hệ với cơ sở đào tạo

Đại học khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM
Địa chỉ: 227 Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận 5, Tp.HCM